Pages

Saturday, May 25, 2013

"Bình Ổn" Thị Trường Vàng - Lẩn quẩn "bình ổn"

Từ năm 2008 cho đến năm 2011, thị trường vàng đã có nhiều bất ổn. Việc hạn chế xuất khẩu vàng bằng cách tăng thuế từ 10% lên 15% và cấp quota nhập khẩu vàng theo hình thức bị động "xin-cho" gần như chỉ đem lại kết quả trong ngắn hạn. Đặc biệt, từ cuối năm 2009, nhà nước đã bắt đầu dùng quyền lực của mình để can thiệp mạnh tay vào thị trường vàng. Bắt đầu bằng việc sàn vàng bị đưa ra khỏi vòng pháp luật, hạn chế (năm 2010) và rồi ngưng hẵng (năm 2011) các hoạt động tín dụng vàng, thị trường vàng trong nước vẫn không thể ổn định theo như ý muốn của chính phủ và ngân hàng nhà nước (NHNN). Chính vì thế nhiều biện pháp mạnh tay hơn đã được chính phủ thông qua hòng để NHNN bình ổn thị trường vàng nhằm ổn định tỷ giá, chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần của Nghị Quyết 11/NQ-CP của chính phủ về chống lạm phát. Biện pháp cuối cùng là đưa thị trường vàng vào cảnh ngăn sông cấm chợ bằng nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Giao Dịch Một Chiều
Có thể nói, việc thị trường vàng thế giới tạo ra những đợt sóng giá cao rồi lại thấp đem lại sự hứng thú và hấp dẫn những nhà đầu tư tham gia lướt sóng. Khi có sàn vàng NĐT lướt sóng trên sàng vàng bằng việc đặt lệnh. Với sự hổ trợ nhanh nhẹn và đơn giản của phần mềm giao dịch, nhà đầu tư có thể lướt sóng ngắn, trung và dài hạn. Nhưng khi sàn vàng bị đưa ra khỏi vòng luật pháp, việc lướt sóng hưởng chênh lệch bắt đầu đòi hỏi nhiều công sức hơn vì NĐT sử dụng vàng vật chất để lướt sóng nhưng đã không ít NĐT vẫn đeo bám theo cách này để kiếm tiền và hưởng chênh lệch. Khi đó, bất chấp việc cấm đoán của nhà nước, thị trường vàng tự do đã có những phiên giao dịch xung túc và cảnh chen nhau mua vàng của người dân gần như là "chuyện thường ngày ở huyện". Chưa có giai đoạn nào mà hành động hợp pháp là mua và đầu tư vàng của người dân lại bị lên án mạnh như vậy. Việc mua vàng của người dân bị cho là ảnh hưởng đến nền kinh tế, là chôn vốn vào vàng và là làm tăng nhập siêu. Hành động kiếm tiền chính đáng và bảo về tài sản của người dân trước một nền kinh tế đanh suy thoái, có lạm phát cao chóng mặt, chứng khoán và thị trường bất động sản đang bong bóng bị coi như là nguyên nhân thay vì hệ quả tất yếu.

Việc "chửa cháy" cho sốt vàng bằng cách nhập khẩu chưa bao giờ được nhà nước coi như biện pháp lâu dài vì nó bị coi là nguyên nhân khiến thị trường ngoại hối hổn loạn. Trên thực tế, NHNN luôn cho rằng đầu cơ là nguyên nhân gây ra hổn loạn. Và cũng chưa một lần, NHNN công khai thừa nhận vấn đề là Việt Nam không sản xuất được vàng và nguồn cung chủ yếu từ việc nhập khẩu vàng dẩn đến thị trường vàng trong nước luôn có một độ trể nhất định so với thị trường thế giới. Và chính vì không thừa nhận điều đó, chính phủ đã có những phát pháo mạnh tay hơn bắn vào thị trường vàng nhằm dập tắt đầu cơ. Sau khi ban hành nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát bằng thắc chặc tiền tệ (trong đó có đề cập đến quản lý chặc thị trường vàng), ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng chính phủ - đã xem thị trường vàng miếng tự do như một vệt phấn trên bảng đen và tuyên bố "dứt khoát xoá bỏ kinh doanh vàng miếng tự do". Thêm vào đó, nhiều khả năng vàng miếng sẽ chỉ được bán cho các đầu mối do chính NHNN cấp phép và người dân sẽ không được phép mua vàng.

Tuyên bố đó cũng như những quyết định cang thiệp thị trường vàng khác của chính phủ đã được nhiều chuyên gia can ngăn. Ông Đổ Minh Phú - chủ tịch tập đoàn vàng bạc đá quý Doji - đã bày tỏ lo ngại nêu vàng chỉ được giao dịch một chiều thì sẽ tạo ra một thì trường ngầm. Ông Nguyễn Thanh Trúc - chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Vàng Agribank, kim phó chủ tịch Hiệp hôi kinh doanh vàng Việt Nam - cũng cho rằng việc quản lý một chiều sẽ khó thành hiện thực. Vì ông Trúc cũng đồng quan điểm với ông Phú cho rằng việc chỉ bán vàng một chiều sẽ tạo ra su thế nhập lậu và hình thành một thị trường vàng ngầm nhằm thoả mãng nhu cầu mua vàng với người dân. Ngoài ra, vào năm 2011, Việt Nam đã có 10 doanh nghiệp sản xuất và phân phối vàng miếng, việc cho "xoá thị trường vàng tự do" khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Ông Nguyễn Thành Long - tổng giám đốc công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC - và bà Nguyễn Ngọc Quế Chi - tổng giám đốc Công Ty Sacombank SBJ - cho rằng việc cấm kinh doanh sẽ làm các doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng cho việc ngưng dập vàng miếng.

Vì đã có tiền lệ cấm sàn vàng (hoạt động không trái pháp luật) và hạn chế tín dụng vàng (hoàn toàn phù hợp với pháp luật), việc lên tiếng xoá bỏ thị trường vàng tự do cũng khiến nhiều người lo ngại điều đó sẽ thành hiện thực. Người dân đã chuyển hướng qua mua vàng trang sức và vàng nhẫn tròn. Có thể nói, vàng luôn là một phần trong đời sống của người dân. Thế nhưng, bất chấp những hiện tượng và con số báo cáo thống kê trên toàn nền kinh tế của Hội Đồng Vàng Thế Giới quá rỏ ràng là người dân có nhu cầu tích trử vàng, NHNN vẫn khăng khăng rằng người dân không hề có nhu cầu mua vàng và giá vàng tăng cao là do bị làm giá và đầu cơ. Phó thống đốc NHNN, ông Nguyễn Đồng Tiến đã dựa trên một thống kê ngắn hạn và cho rằng "tình trạng đầu cơ vàng lớn ở hai thành phố, phần đông dân cư dự trữ tài sản bằng vàng không nhiều và không có nhu cầu kinh doanh vàng. Vì vậy, tác động của việc ngừng huy động và cho vay vốn bằng vàng đối với đại đa số người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn là không lớn."

Không nhanh như những dự thảo khác về quản lý thị trường vàng, việc "xoá bỏ" thị trường vàng tự do, một thị trường lớn và đã có nhiều ý kiến cho rằng phản đối của dư luận sẽ khiến cho chính phủ và NHNN phải thay đổi quyết định của mình. Đặc biệt, khi bộ chính trị "yêu cầu đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có vàng và ngoại tệ, quan tâm đúng mức nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân, tránh tạo ra các "cú sốc" về tâm lý gây bất ổn xã hội." Mặc dù, bộ chính trị chưa bao giờ lên tiếng phản đối việc xoá bỏ thị trường vàng tự do, nhưng bộ chính trị có yêu cầu NHNN phải xem xét để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân. Và NHNN đã cam kết xây dựng dự thảo quản lý thị trường vàng tôn trọng kết luận của bộ chính trị. Về sau, việc giao dịch vàng một chiều đã bị bỏ ra khỏi dự thảo về quản lý thị trường vàng thay vào đó người dân sẽ được giao dịch vàng tại những địa điểm do NHNN cấp phép. Có lẽ chính vì kết luận đó của bộ chính trị và sự nhượng bộ của NHNN, trong suốt một năm 2011, việc kinh doanh vàng miếng tự do vẫn diển ra một cách bình thường, nhưng những đầu mối kinh doanh vàng vẫn không khỏi lo ngại và cố gắng tìm đường ra khác cho việc kinh doanh vàng.

Xuất siêu nhờ vàng
Giữa năm 2011, thị trường vàng trước sự áp đặt của quyền lực nhà nước, giá vàng trong nước trước đà thoái của giá thế giới đã có cảnh đảo chiều chênh lệch. Các doanh nghiệp đã nắm bắt thời điểm này để xuất khẩu vàng nhằm thu lợi từ việc chênh lệch giá. Trước tình thế này nhiều người lo ngại vàng trong nước sẽ bị chảy máu ra nước ngoài và nhiều khả năng sẽ làm hụt nguồn cung trong nước. Trước đó, nhà nước đã có sự hạn chế xuất khẩu vàng bằng cách cấp quota xuất khẩu vàng miếng và vàng nguyên liệu cho một số đầu mối nhất định và tường chừng như cơ chế này sẽ hạn chế được việc chảy máu vàng. Nhưng, trong khi đó, cơ chế cho vàng nữ trang và mỹ nghệ vẫn là xuất đi với thuế xuất là 0% và chính kẻ hở này đã được khai thác. Chính vì thế, ở thời điểm này người ta đã có thể thấy được lần đầu tiên, hàng trang sức và mỹ nghệ bằng vàng được xuất đi ồ ạt đến như vậy. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có 20 tấn vàng được xuất đi dưới dạng này. Theo ước tình của Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam, thì cứ mỗi tấn vàng xuất đi doanh nghiệp có thể kiếm lời được gần 2 tỷ VND. Nhưng với đà thu hẹp dần chênh lệch của giá trong và ngoài nước, hiện tượng xuất vàng đi có thể chậm lại vào tháng 7, 8.

Việc xuất khẩu một số lượng lớn vàng dưới dạng vàng trang sức đã rung lên hồi chuông cảnh báo cho chính phủ. Ngay sau đó, việc áp thuế cho vàng trang sức và mỹ nghệ có tuổi 99,99% đã được thi hành nhằm giảm hiện tượng chảy máu vàng. Có thể thấy thời điểm này, chính phủ vẫn còn rất ngây thơ khi vẫn còn phân biệt tuổi vàng, vàng miếng và vàng trang sức mà quên rằng vàng chỉ là vàng và dù dưới hình thức nào thì nó vẫn được chấp nhận. Và vì chính sách áp thuế cho vàng trang sức và mỹ nghệ có tuổi 99,99%, doanh nghiệp đã nhanh nhẹn và hạ tuổi vàng xuống và xuất khẩu đi. Một tháng sau đó, nhận ra hiện tượng hạ tuổi vàng để né thuế xuất đã khiến nhà nước hạ tuổi vàng phải chịu thuế của vàng nữ trang mỹ nghệ xuống còn 80% và áp thuế. Khi đó, doanh nghiệp đã ồ ạt xuất khẩu vàng đi trước khi bị áp thuế. Nhờ có hiện tượng ồ ạt xuất khẩu vàng hưởng chênh lệch của các doanh nghiệp, 2,4 tỷ USD đã được thu về và doanh nghiệp cũng kiếm lợi không ít từ việc đó nhưng điều quan trong là con số xuất khẩu này đã làm đẹp cho cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều thiệt hại duy nhất là nhà nước đã không thu được gì từ việc đó. Ngoài ra, việc ồ ạt xuất khẩu vàng của các doanh nghiệp sau đó đã bị dư luận coi là nguyên nhân gây ra bất ổn thị trường vàng sau đó không lâu.

Trò chơi nhà chòi
Bất chấp sự quyết tâm của chính phủ và NHNN và kể cả những rào cản và thậm chí là trù dập bằng báo chí, người dân vẫn xem vàng như một bức tường che chắn họ trước cơn bảo lạm phát của nền kinh tế và là một món đầu tư có lời. Hơn nữa, trước những tin xấu của kinh tế thế giới, giá vàng thế giới đã liên tục tăng nhưng do hạn chế xuất khẩu mạnh nên giá vàng trong nước vẫn bình chân như vại trước đà tăng của thế giới thậm chí còn thấp hơn so với thế giới. Nhưng, khi hiện tượng này kéo dài các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã lợi dụng và lách luật để xuất khẩu một số lượng lớn vàng đi nước ngoài đã khiến cho nguồn cung thiếu hụt và đã tạo ra một đợt tăng mạnh giá vàng trong nước.

Khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần 1,000,000₫, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng xin nhập khẩu vàng để đập ngay sự khang hiếm của nguồn cung vàng trong nước. Nhưng hình thức cấp quota theo kiểu "xin-cho" đã khiến phản ứng thị trường của các doanh nghiệp diển ra rất chậm chạp. Cùng với việc đồng loạt gom một lượng lớn USD để nhập khẩu vàng đã đẩy tỷ giá USD/VND lên cao. Và một lần nữa đã khiến cho sự chênh lệch của vàng trong nước là vàng thế giới lên gần 4,400,000₫. Khi đó, hành động ồ ạt xuất khẩu vàng của các doanh nghiệp đã bị lên án dữ dội. Có những ý kiến cho rằng chính vì nhà nước siết hoạt động xuất khẩu vàng bằng cách áp thuế cao nên các đầu mối kinh doanh vàng quay ra làm giá thị trường. Nhưng nhận định này lại quên rằng, một lần nữa trong suốt nhiều tháng Việt Nam không nhập khẩu vàng, kèm theo trong 8 tháng liền một số lượng lớn vàng đã bị xuất đi. Nay khi giá vàng thế giới tăng mạnh, hấp dẩn nhà đầu tư trong nước, việc nhu cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung lại chậm khiến giá tăng cao cũng không có gì là quá khó để lý giải. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân Hàng Nhà Nươc chi nhánh TP.HCM - đã lý giải "Mọi thứ đều diễn ra ổn định và không có dấu hiệu bất thường về đầu cơ, làm giá. Vàng miếng trong nước ngày hôm nay tăng mạnh là do giá thế giới đang tăng nhanh"

Nhưng khi đó, tân thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình, lại có một lý giải khác. Cũng giống như ông Giàu trước hiện tượng tăng mạnh giá trong nước và tạo ra chênh lệnh cao giữa giá trong nước và thế giới, ông Bình cũng kết luận ngay đó là hành động lũng đoạn thị trường của giới đầu cơ. Tuy nguyên nhân giới đầu cơ gây lũng đoạn thị trường đã được đưa ra trong suốt nhiều năm nhưng chưa một lần NHNN có thể xác định đích danh ai là kẻ đầu cơ. Ngoài ra, khi lần đầu phát biểu trước dư luận, ông Bình đã khẳng định "Kinh nghiệm cho thấy nếu giá trong nước cao hơn thế giới trên 400.000 đồng là không ổn, bắt đầu có hiện tượng đầu cơ, làm giá. Dưới mức này thì chấp nhận được". Ngoài ra, ông cũng chia sẽ ý định sẽ quy quản lý, huy động vàng về một mối là NHNN. Ông nói "Nếu kinh doanh có hiệu quả như chúng ta mong muốn thì tốt, nhưng cũng rất rủi ro. Vậy tại sao không để Ngân hàng Nhà nước thay mặt nhà nước huy động số vàng đó? Dân sẽ có chỗ gửi vàng an toàn mà Nhà nước lại tận dụng được để tăng dự trữ ngoại hối, khi cần có thể chuyển đổi ra đồng vốn kinh doanh hoặc can thiệp thị trường khi cần thiết"

Năm 2011, ta thấy được sự cực đoan của hiện tượng chênh lêch giá vàng và một thực trạng tồn tại là Việt Nam không hề có nguồn tự cung vàng cho thị trường trong nước và gần như toàn bộ nhu cầu vàng trong nước là được thoả mảng bởi nhập khẩu. Nhưng vào thời điểm quý 3 và 4 năm 2011, giải pháp nhập khẩu vàng đã quá chậm chạm và quá yếu, vì chỉ có một nhóm nhỏ doanh nghiệp được tham gia vào hoạt động này. Chính vì thế việc nhập khẩu vàng gần như không thể kềm hảm được đà tăng của giá vàng trong nước. Trước tình thế nhập khẩu vàng không thể hạ nhiệt thị trường, ngày 6/10/2011, ông Bình, để giữ lời hứa của mình với dân chúng, đã cho thành lập một tổ bình ổn thị trường gồm 5 Ngân Hàng (ACB, Đông Á, Eximbank, Sacombank và Techcombank) và SJC bán vàng ra để bình ổn thị trường , gọi tắt là G5+1. Giải pháp là các ngân hàng này sẽ bán số vàng đã được huy động ra để cung ứng cho thị trường nhằm hạ nhiệt thị trường. Song song với việc bán vàng huy đông, NHNN đã cho các NHTM cân đối vàng huy động đã bán bằng cách mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Có thể nói, khi đó vàng tài khoản, thứ bị xem là nguyên nhân gây bất ổn thị trường, và chuyển đổi tín dụng vàng, thứ bị xem là nhiều rủi ro tiềm ẩn, nay lại được quay lại xem xét như là một giải pháp làm ổn định thị trường. Nhưng đó chỉ là là một giải pháp tạm thời, ngoài ra, việc thực hiện giải pháp này là trái với Thông tư 10/2010/TT-NHNN và Thông tư 22/2010/TT-NHNN. 

Chỉ sau 2 ngày khởi động, giải pháp này của ông Bình được xem là mới mẽ, là đi đúng hướng, là bình ổn được thị trường và được nhiều chuyên gia ủng hộ. Ông Lê Thẩm Dương -Trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM - cho rằng "ưu điểm của giải pháp này là ngân hàng được tham gia bán vàng ra cùng với các doanh nghiệp, giúp nguồn cung phong phú mà không phải nhập vàng tốn USD. Đi kèm đó, việc cho phép kinh doanh vàng tài khoản sẽ giúp thị trường trong nước liên thông với vàng thế giới."  TS. Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa tài chính ngân hàng Đại học Mở TP.HCM - đồng tình và cho rằng "điều này cần được làm sớm hơn. Bởi, sự chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới thời gian qua quá cao và kéo dài trong một thời gian. Điều này đã tạo cơ hội cho các thế lực đầu cơ, làm giá, gây bất ổn thị trường." Cho đến thời điểm này, khó có thể nói là vì đầu cơ làm lũng đoạn thị trường hay thiếu hụt nguồn cung làm lũng đoạn thị trường. Nhưng qua nhận xét của hai vị này ta có thể thấy rằng chính sự thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân chủ yếu

Ngoài, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng sau việc bán vàng huy động để bình ổn thị trường "hướng đi tiếp theo cần phải mở sở giao dịch vàng. Nếu có sở giao dịch vàng hoạt động như sở giao dịch chứng khoán thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp đứng ra quản lý và khi cần có thể mua bán vàng qua tài khoản với nước ngoài. Điều này sẽ giúp cho Ngân hàng Trung ương quản lý được dòng ngoại tệ ra vào qua kênh vàng". Nhưng ý kiếm ngược lại cho rằng giải pháp thành lập nhóm G5+1 và lập vàng tài khoản để cân đối trạng thái đều là tạm bợ. Ông Bùi Kiến Thành cho rằng "không thể để tình trạng người dân muốn mua bao nhiêu vàng cũng được, tích trữ bao nhiêu thì để ở nhà ngần đó vì như thế nền kinh tế sẽ không vận động được." Ông Thành cho rằng " cần phải chấm dứt tình trạng tự do mua bán vàng, tự do “ôm” ngoại tệ đi mua vàng của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam."

Được xem như là một giải pháp đầy sáng tạo của ngài tân thống đốc vì khơi thông nguồn tín dụng 100 tấn vàng trong các NHTM và ông đã nhận được nhiều lời ca ngợi. Nhưng những lời ca ngợi này lại quên đi một vấn đề việc ngân hàng bán vàng ra để bình ổn thị trường là dùng nguồn từ huy động trong dân mà ra. Điều đó cũng có nghĩa là dùng vàng của dân để bán lại cho dân. Cứ cho rằng nó tạo được nguồn cung tạm thời nhưng không phải sau đó đến hạn tất toán theo thông tư 11/2011/TT-NHNN do NHNN ban hành vào cuối tháng 4/2011, thì các ngân hàng này sẽ phải mua một khối lượng vàng tương tự để cân đối. Điều đó vẫn sẽ dẩn đến khang cung và cần nhập khẩu vào một thời điểm khác. Ngoài ra, việc này còn tạo rủi ro cho không chỉ việc huy động vàng mà còn việc gửi vàng vào ngân hàng của người dân. Trên thực tế, giải pháp này chỉ đưa thị trường vàng vào một vòng lẩn quẩn và không có lối ra.

Việc bán vàng bình ổn do nhóm G5+1, được cho là thu hẹp được khoản cách giữa trong nước và thế giới nhưng vẫn còn có một khoản chênh lệch hơn 1,000,000₫ giữa giá trong nước và thế giới. Chênh lệch này được ông Nguyễn Công Trường - Phó phòng kinh doanh Công ty SJC - lý giải là do vàng được nhập theo giá USD tự do nên giá vàng tính theo giá USD tự do (khi đó là 21,500₫), nên nếu so sánh với giá vàng quy đổi theo giá USD niêm yết của Ngân Hàng thì sẽ có sự chênh lệch. Nhưng lý giải này nhanh chóng bị phản bác, vì vàng mà nhóm G5+1 vốn dĩ không phải vàng nhập khẩu mà là lấy nguồn từ vàng huy động trong dân mà ra, cho nên dùng tỷ giá USD tự do để tính giá vàng là bất hợp lý và đó chính là hành động kiếm lợi phi nghĩa. Ngoài ra, để có thể mua được vàng bình ổn thì người mua bị "khuyến khích" phải gửi lại ngân hàng bằng không sẽ không được mua vàng. Hơn nữa, việc chỉ một nhóm nhỏ được phép bán vàng gây ra lo ngại nhóm này sẽ làm giá thị trường và tạo ra lợi ích nhóm.

No comments:

Post a Comment